Tết thuyền ở Sa Huỳnh

LÊ VĂN CHƯƠNG – Pháp Luật TP, 19/02/2010
Sa Huỳnh là địa danh của một trong ba nền văn hóa ở miền Trung Việt Nam. Ngày tết, những chiếc thuyền được các ngư dân long trọng san sẻ hương vị xuân như dành cho con người.

Chiều 27 tết, tất cả tàu thuyền được chà rửa sạch sẽ, lưới được giũ nước, xếp ngay ngắn dưới hầm, thuyền neo thẳng hàng như một đội hùng binh.

Chiều 30, làng Sa Huỳnh tổ chức cúng tất niên thuyền. Bia rượu được nâng lên hạ xuống. Đó là khoảnh khắc để các ngư dân nói chuyện về những con thuyền đã cùng họ vượt ngàn sóng gió gian nan trên biển cả. Sáng mùng 2 là ngày tết thuyền, mỗi chủ thuyền đều lo sắm lễ gồm hoa quả, xôi, gà. Trên 500 con thuyền uốn quanh theo cửa lạch, khói hương nghi ngút lên trời. Các thuyền trưởng chắp tay đứng trang nghiêm gần đốc thuyền. Đây là dịp các chủ thuyền cáo với tổ tiên về một năm đánh bắt thuận buồm xuôi gió, đồng thời khấn nguyện được sự phù hộ, giúp đỡ ra khơi bình an, làm ăn tài lộc trong năm mới.

Tàu cá trưởng vạn xuất hành trước để mở khẩu.

Hát múa sắc bùa trong lễ mở khẩu.

Một ngư dân nói giọng trầm ngâm chia sẻ: Nghề sống đầu ngọn sóng, mạng người chỉ cách nước có cái mê lườn, ngư dân cũng phải nhờ ơn cái thuyền. Vậy là trong cuộc mưu sinh trên sóng dưới gió, ngư dân đã gán cho mỗi con thuyền đều là một vị thần hộ mạng. Tết dành cho người nhưng thuyền cũng có phần riêng.

Theo phong tục, cửa Sa Huỳnh được giữ yên tĩnh tuyệt đối trong ngày tết. Khi ông Lê Ơi – trưởng vạn làm lễ mở khẩu, tàu thuyền mới bắt đầu được xuất hành.

Cửa biển Sa Huỳnh chia làm bốn vạn. Sau chương trình hát múa bả trạo, sắc bùa của làng muối Tân Diêm và làng cá Sa Huỳnh là đến giờ mở khẩu. Tiếng trống thùng thùng vang lên, 10 chiếc thuyền nối đuôi chạy trước, thuyền ngư dân xuất hành theo sau. Hàng ngàn ngư dân trong bờ reo hò, hướng mắt theo đoàn thuyền.

Thủ tục mở khẩu được ông Ơi thuật lại tỉ mỉ: Ra đến ngang cửa và dinh bà, trưởng vạn vái hạ thủy: “Hôm nay ngày, tháng, năm, ngư dân Sa Huỳnh xuất dương, hạ nghệ mở cửa cho bổn vạn…”. Sau đó, gạo, muối, giấy ngũ sắc được rắc xuống nước. Vừa thoát ra khỏi cửa, ông trưởng vạn hô tài công: “Lấy đại lợi!”. Vậy là chiếc thuyền chạy đầu vòng ra hướng đông, quật lại hướng nam. Tấm lưới trên thuyền được quăng xuống nước làm phép. Chiếc thuyền tiếp tục quật qua hướng đông, ngư dân trên thuyền kéo lưới lên kết thúc thủ tục “động thủy”, thẳng tiến ra biển đánh mẻ lưới đầu năm.

Sau 30 phút đánh lưới, chủ vạn phải cho thuyền chạy vào bờ. Thường thì năm nào chủ vạn thả lưới cũng bắt được cá – gặp lúc trời êm thì thu được cá ngừ, gặp lúc trời động thì đánh được cá nháy, cá hố dài cả sải tay. Khoảng thời gian mở khẩu đến lúc thuyền về, mọi trục trặc dù nhỏ đều coi như chưa thuận.

Sáng mùng sáu tết, trai tráng Sa Huỳnh lại khoác hành lý, tạm biệt xóm giềng để đi biển. Trong những ngày này, đình làng và dinh bà ở Sa Huỳnh cờ xí rợp trời, hương trầm nghi ngút. Ngư dân đến đây làm lễ cầu mùa cho làng, cầu an cho người đi xa và nhất là cầu mong những con thuyền – vị thần hộ mạng vượt ngàn hải lý thuận buồm xuôi gió.

About Sa Huỳnh

[Liên hệ: Việt Hà, mayngontay@yahoo.com.] Sa Huỳnh là một thị trấn nhỏ của huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Trung Bộ của Việt Nam. Sa Huỳnh nằm sát biển Đông. Phía Tây giáp dãy núi Trường Sơn. Có đường quốc lộ 1A và đường tàu thống nhất Bắc Nam xuyên qua.
Bài này đã được đăng trong Hình ảnh về Sa Huỳnh, Người Sa Huỳnh, Tin tức - Ký sự. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này